Một số điểm mới trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Chính phủ đưa nội dung “Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP” vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ năm 2013. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 102. Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành Dự thảo 2 và đang tổ chức xin ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong cả nước.
1. Mở đầu
Việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có nhiều điểm đặc thù như: công nghệ thay đổi nhanh chóng; việc định giá, đánh giá chất lượng sản phẩm khó khăn; sự thành công của dự án phụ thuộc nhiều vào đào tạo, chuyển giao công nghệ cũng như sự quan tâm của cán bộ sử dụng... Do đó, việc vận dụng các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cho dự án ứng dụng CNTT là không phù hợp. Mặt khác, do vận dụng nên cách hiểu, cách vận dụng của các nơi không thống nhất, từ đó gây khó khăn cho chủ đầu tư, nhà thầu, các đơn vị thẩm định, phê duyệt.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, Luật Công nghệ thông tin (Khoản 3 Điều 62) quy định Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư phù hợp đối với các dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Ngày 06/11/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2009/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 102) về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010. Bộ Thông tin và Truyên thông cũng đã ban hành tổng cộng 07 thông tư, 05 bộ định mức, 01 quyết định và một số văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 102. Đến nay, sau hơn 03 năm thực hiện Nghị định 102, hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT bước đầu đi vào nề nếp, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 102 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: phạm vi điều chỉnh chưa bao trùm hết các hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước; một số nội dung chưa được quy định trong Nghị định hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện; một số quy định chưa thực sự phù hợp với đặc thù CNTT... Mặt khác, qua hơn 03 năm thực hiện, các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư ứng dụng CNTT đã thay đổi và điều chỉnh nên một số nội dung của Nghị định 102 không còn phù hợp.
Xuất phát từ những lý do trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Chính phủ đưa nội dung “Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP” vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ năm 2013. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 102. Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành Dự thảo 2 và đang tổ chức xin ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong cả nước.
2. Quan điểm xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 102
Trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 102, những quan điểm dưới đây đã được xác định và quán triệt để việc thực hiện được thống nhất và thông suốt:
(i) Bảo đảm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ứng dụng CNTT, cải cách hành chính.
(ii) Phù hợp với các quy định khác có liên quan, đặc biệt là Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.
(iii) Phù hợp với đặc thù của đầu tư ứng dụng CNTT.
(iv) Rút ngắn quy trình, đơn giản hóa các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian đầu tư, phù hợp với đặc thù CNTT nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát vốn nhà nước.
3. Những điểm mới trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 102
So với Nghị định 102, Dự thảo 2 Nghị định thay thế Nghị định 102 (sau đây gọi là Dự thảo 2) có những điểm mới như sau:
(i) Về phạm vi điều chỉnh: Bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với các dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.
(ii) Về trình tự, thủ tục đầu tư:
Đối với quản lý phần ứng dụng CNTT trong dự án hỗn hợp: Nghị định 102 trước đây quy định phần ứng dụng CNTT trong dự án hỗn hợp phải được quản lý như một dự án ứng dụng CNTT độc lập gây khó khăn trong quá trình triển khai. Dự thảo 2 sửa theo hướng Người có thẩm quyền quyết định đầu tư căn cứ vào tính chất và quy mô dự án để quyết định việc quản lý phần ứng dụng CNTT trong dự án hỗn hợp như một hạng mục thuộc dự án hỗn hợp hoặc tách ra thành dự án ứng dụng CNTT độc lập.
Đối với quy trình thực hiện dự án:
- Quy trình thực hiện trong Dự thảo 2 được đề xuất phù hợp với quy mô, tính chất của từng dự án. Theo đó, đối với dự án quan trọng quốc gia cần thực hiện 03 bước: (1) lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội xem xét, quyết định về chủ trương đầu tư; (2) lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án) để trình Người có thẩm quyền phê duyệt; (3) lập Thiết kế thi công - dự toán để trình Chủ đầu tư phê duyệt. Đối với các dự án khác, chỉ cần thực hiện 02 bước là bước (2) và bước (3). Đối với dự án có quy mô nhỏ và tính chất đơn giản, bao gồm: dự án có tổng mức đầu tư từ 07 tỷ đồng trở xuống; các hoạt động mua sắm dự phòng, thay thế một phần các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có; mua sắm thiết bị không cần lắp đặt; phần mềm thương mại không kể mức vốn, Chủ đầu tư chỉ cần thực hiện 01 bước là lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật (gộp bước (2) và (3) thành một bước).
- Đối với các dự án ứng dụng CNTT khẩn cấp, cấp bách (ví dụ như các dự án xử lý sự cố về an toàn, an ninh thông tin, mạng; các dự án theo yêu cầu khẩn cấp như điều chỉnh chính sách thuế, hải quan, kho bạc…), người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định có thực hiện dự án theo quy trình khẩn cấp hay không, đồng thời quyết định trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế, thi công phù hợp với yêu cầu về tình trạng khẩn cấp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện cũng như đáp ứng kịp thời tình trạng khẩn cấp, tránh được các rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
- Quy định lập Đề cương và dự toán chi tiết cũng rõ ràng hơn theo hướng chỉ lập Đề cương và dự toán chi tiết đối với các trường hợp đầu tư nâng cấp, mở rộng khả năng ứng dụng CNTT hiện có sử dụng vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư với mức vốn từ 03 tỷ đồng trở xuống.
Đối với việc thực hiện dự án đầu tư ứng dụng CNTT theo hình thức gói thầu EPC: Dự thảo 2 bổ sung quy định khuyến khích các dự án, đặc biệt là các dự án phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu, thực hiện theo hình thức gói thầu EPC, bao gồm toàn bộ công việc thiết kế thi công, cung cấp thiết bị và lắp đặt, cài đặt thiết bị, phát triển phần mềm. Quy định này nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong trường hợp đơn vị thiết kế thi công đồng thời cũng là đơn vị cung cấp thiết bị, lắp đặt, cài đặt thiết bị và phát triển phần mềm.
Đối với việc phân cấp đầu tư ứng dụng CNTT: Ngoài quy định về ủy quyền đầu tư đã được quy định tại Nghị định 102 Dự thảo 2 bổ sung thêm quy định về phân cấp đầu tư.
Đối với việc xác định Chủ đầu tư: Ngoài các quy định tại Điều 6 Nghị định 102, Dự thảo 2 bổ sung thêm quy định người có thẩm quyền quyết định đầu tư có thể đồng thời làm chủ đầu tư hoặc giao cho Ban Quản lý dự án do mình quyết định thành lập làm chủ đầu tư hoặc ủy thác cho một tổ chức có đủ điều kiện làm chủ đầu tư.
Đối với việc giám sát cộng đồng: Việc tranh thủ sự giám sát của nhân dân đối với các dự án ứng dụng CNTT ít tính khả thi trong thực tế, do các dự án này chủ yếu được thực hiện trong phạm vi tòa nhà hoặc tại các đơn vị thi công. Vì vậy, Dự thảo 2 đã bãi bỏ quy định này.
Đối với việc giám sát công tác khảo sát: Dự thảo 2 sửa đổi theo hướng không bắt buộc phải giám sát công tác khảo sát mà giao chủ đầu tư xem xét, quyết định thực hiện hoặc không thực hiện việc giám sát công tác khảo sát tùy theo tính chất, quy mô của từng dự án.
(iii) Về quản lý dự án: Dự thảo 2 nâng quy định bắt buộc phải thành lập Ban Quản lý dự án trong trường hợp chủ đầu tư tự quản lý dự án từ mức 01 tỷ đồng lên mức 03 tỷ đồng. Dự thảo 2 cũng cho phép Chủ đầu tư có thể giao cho một Ban quản lý dự án quản lý nhiều dự án khi có đủ điều kiện năng lực mà không cần phải xin phép người có thẩm quyền quyết định đầu tư. Ngoài ra, do khái niệm đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT có thể rất nhiều và khó xác định, Dự thảo 2 đã bãi bỏ quy định bắt buộc phải cử người của đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án tham gia và được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án trong trường hợp chủ đầu tư không phải là đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án.
(iv) Về quản lý chi phí
Đối với cơ cấu chi phí trong tổng mức đầu tư, dự toán: Dự thảo 2 điều chỉnh các chi phí phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu; chi phí tạo lập cơ sở dữ liệu, chuẩn hoá phục vụ cho nhập dữ liệu, thực hiện nhập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu; chi phí lắp đặt thiết bị, cài đặt phần mềm, kiểm tra và hiệu chỉnh thiết bị và phần mềm sang chi phí xây lắp và bổ sung chi phí vận chuyển, bảo hiểm thiết bị; thuế và các loại phí liên quan khác sang chi phí thiết bị trong tổng mức đầu tư, dự toán.
Đối với thiết kế phần mềm nội bộ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Dự thảo 2 điều chỉnh nội dung thiết kế sơ bộ đối với phần mềm nội bộ theo hướng đơn giản hơn so với Nghị định 102.
Đối với chi phí kiểm thử phần mềm nội bộ: Dự thảo 2 bổ sung quy định đối với hoạt động kiểm thử phần mềm nội bộ của chủ đầu tư trước khi nghiệm thu, cụ thể là, hoạt động kiểm thử phần mềm nội bộ độc lập với hoạt động phát triển/nâng cấp phần mềm nhằm đánh giá chất lượng của phần mềm theo một cách độc lập, khách quan. Đơn vị kiểm thử là tổ chức có chức năng thực hiện kiểm thử chất lượng phần mềm; có đủ năng lực, phương tiện phù hợp trong lĩnh vực CNTT theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
(v) Về quản lý chất lượng
Đối với việc kiểm soát chất lượng: Mặc dù Nghị định 102 đã quy định đơn vị chuyên trách CNTT có trách nhiệm thẩm định thiết kế sơ bộ nhưng các bước tiếp theo như lập thiết kế thi công, nghiệm thu lại không có vai trò của đơn vị chuyên trách. Điều này dẫn đến chất lượng dự án ứng dụng CNTT đôi khi không phù hợp hoàn toàn với thiết kế sơ bộ đã được phê duyệt, nhất là đối với các chủ đầu tư không có nghiệp vụ về CNTT. Mặt khác, do không được tham gia các giai đoạn sau thiết kế sơ bộ nên đơn vị chuyên trách về CNTT không có điều kiện nắm bắt đầy đủ nội dung của dự án, dẫn đến công tác thẩm định việc kết nối liên thông với các dự án khác không đảm bảo. Do đó, Dự thảo 2 đã bổ sung quy định đơn vị chuyên trách CNTT phải thẩm tra thiết kế thi công và kiểm tra công tác nghiệm thu đưa sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án vào khai thác, sử dụng. Đây cũng là xu thế chung đối với quản lý đầu tư xây dựng công trình.
Đối với điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân: Dự thảo 2 sửa đổi quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân theo hướng cho phép các tổ chức, cá nhân chưa đủ năng lực có thể tích lũy kinh nghiệm và điều chỉnh điều kiện phân cấp độ theo kinh nghiệm mà tổ chức, cá nhân đã thực hiện, không phân cấp độ theo kinh nghiệm tham gia như quy định hiện tại của Nghị định 102.
4. Kết luận
Dự thảo 2 về cơ bản đã tháo gỡ những khó khăn, bất cấp còn tồn tại của Nghị định 102, đồng thời tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm của dự án. Bên cạnh đó, Dự thảo 2 đã chuẩn hóa, rút gọn các thủ tục đầu tư không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian triển khai các dự án đầu tư, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân và dự kiến trình Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP lên Chính phủ vào tháng 06/2013.
|