Đào tạo về đấu thầu hiện là ngành nghề kinh doanh không có điều kiện. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo phải đảm bảo tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ theo quy định của pháp luật. Việc mua bán chứng chỉ đào tạo về đấu thầu (gọi tắt là CCĐT) là đi ngược lại với mục tiêu của công tác đấu thầu, đồng thời ảnh hưởng xấu tới chất lượng nguồn nhân lực cho công tác đấu thầu.
Ngay sau khi có phản ánh, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố, các tổ chức thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư, bên mời thầu đề nghị tăng cường rà soát, quản lý trong chức năng, nhiệm vụ.
Lĩnh vực kinh doanh không cần điều kiện
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Đấu thầu, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu phải có Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu và có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của gói thầu, dự án, trừ cá nhân thuộc nhà thầu, nhà đầu tư. Các cơ sở đào tạo được tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu cho cá nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Đấu thầu.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng giảm bớt điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật Đầu tư số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư đã bãi bỏ một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có Khoản 1 Điều 19 Luật Đấu thầu. Theo đó, ngành nghề đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu không còn nằm trong Danh mục ngành, nghề đầu tư có kinh doanh có điều kiện. Do vậy, mọi tổ chức đều có thể tham gia vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu. Cơ sở đào tạo tự bảo đảm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp dịch vụ đào tạo nghiệp vụ đấu thầu. Các doanh nghiệp này được hoạt động ngay sau khi đăng ký kinh doanh mà không cần các điều kiện đi kèm như quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Đấu thầu.
Lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu cho biết, việc đưa ngành nghề đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu ra khỏi Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu.
Thực tế, việc cấp Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu hiện nay thông qua các cơ sở đào tạo, cũng giống như cấp chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ… Các cơ sở đào tạo được tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu không tiền kiểm đối với hoạt động này. Vì thế, việc có tham gia học và thi thực chất hay không phụ thuộc hoàn toàn vào người học và các cơ sở đào tạo.
Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, pháp luật về đấu thầu quy định rõ khi thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và cấp Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, các cơ sở đào tạo vẫn phải tuân thủ theo chương trình khung cũng như thời lượng đào tạo theo quy định. Cụ thể, Chương II Thông tư số 04/2019/TT-BKHĐT (TT04) ngày 25/1/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn cụ thể về đào tạo và cấp Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu cơ bản, từ nội dung chương trình, thời lượng đào tạo, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu cơ bản... Theo đó, học viên chỉ được cấp Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu cơ bản khi tham dự đủ thời lượng khóa học theo quy định tại Thông tư, làm bài kiểm tra và có kết quả kiểm tra cuối khóa đào tạo được đánh giá từ loại “trung bình” trở lên…
Xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm
Theo Cục Quản lý đấu thầu, việc cấp Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu khi không tham gia khóa học, không làm bài kiểm tra là không đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 8 TT04. Nếu sự việc đúng như phản ánh thì việc làm này của Công ty cổ phần Đào tạo và Quản lý kinh tế là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Ngày 2/12/2019, Cục Quản lý đấu thầu đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu của các cơ sở đào tạo trên địa bàn mình quản lý. Trường hợp phát hiện sai phạm của các cơ sở đào tạo về đấu thầu thì kịp thời phản ánh về Cục để phối hợp xử lý. Việc kiểm tra công tác đấu thầu cần bao gồm nội dung kiểm tra việc sử dụng Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, đặc biệt là các cá nhân có Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu do Công ty cổ phần Đào tạo và Quản lý kinh tế cấp.
Đối với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư, bên mời thầu, thực hiện rà soát việc sử dụng Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu của các nhân tham gia hoạt động đấu thầu thuộc quyền quản lý, trong đó đặc biệt lưu ý các cá nhân có Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu do Công ty cổ phần Đào tạo và Quản lý kinh tế cấp. Trường hợp phát hiện các cá nhân sử dụng Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu không đúng quy định như Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu giả, mua bán Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu được cấp khống… thì cần có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật trong việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
Cục Quản lý đấu thầu cũng có công văn gửi các giảng viên đấu thầu, đề nghị thực hiện rà soát các khóa đào tạo mà mình đã tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo đấu thầu, đặc biệt là tại Công ty cổ phần CP Đào tạo và Quản lý kinh tế, tránh tình trạng các cơ sở đào tạo đấu thầu sử dụng hợp đồng mà các giảng viên đã ký trước đó để thực hiện việc cấp Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu trái pháp luật. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định về thời lượng giảng dạy các khóa đào tạo, bồi dưỡng cấp Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÀO TẠO VÀ TƯ VẤN ĐẦU TƯ HÀ NỘI
Tòa nhà FS, Tầng 16-06, Số 47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0976.464688
Email: phongdaotao88@gmail.com